Biwase: Tặng 14 bồn trữ nước, chống nhiễm mặn cho tỉnh Bến Tre
Chi hội Cấp Thoát nước Miền Nam đã cử đại diện phối hợp cùng Ủy Ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Bến Tre khảo sát tình hình, chuẩn bị kế hoạch hỗ trợ chính quyền và người dân đang gặp khó khăn về nguồn nước
Sáng ngày 9/3, Ban Dân vận Tỉnh Ủy và Ủy Ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Bến Tre tổ chức lễ phát động triển khai các biện pháp, giải pháp cấp bách phòng chống, ứng phó với hạn mặn đang diễn ra gay gắt trên địa bàn tỉnh. Tại đây Chi hội Cấp Thoát nước Miền Nam đã cử đại diện phối hợp cùng Ủy Ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Bến Tre khảo sát tình hình, chuẩn bị kế hoạch hỗ trợ chính quyền và người dân đang gặp khó khăn về nguồn nước.
Trước mắt Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương Biwase (đang là chủ tịch Chi hội phía Nam) tạm ứng kinh phí mua sắm 14 bộ bồn chứa nước ngọt loại 500 lít mang tặng UBMTTQ tỉnh để trao lại cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn về nguồn nước ăn uống, sinh hoạt. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Công ty Luật Tùng Dương, phường 5, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ 60 triệu đồng để mua can nhựa tặng 5.000 hộ dân tỉnh Bến Tre.
Ông Nguyễn Minh Tấn, (bìa trái) đại diện thương hiệu Phân bón Con Voi Bình Dương - Sản phẩm của Biwase tại lễ trao tặng bồn chứa nước cho Ủy Ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Bến Tre. |
Ông Lê Văn Gặp - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Mặn đã lấn sâu vào đồng ruộng, sông rạch và lan rộng ra địa bàn toàn tỉnh, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sinh hoạt, đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế của tỉnh Bến Tre. Tính chất gay gắt và khốc liệt hơn so với đợt mặn lịch sử năm 2016 và có khả năng kéo dài khoảng 3 tháng nữa. Nếu như chủ quan, không đề ra các giải pháp cấp bách để ứng phó với hạn mặn thì những khó khăn, thiệt hại sẽ khó lường.
Đại diện cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre cho biết: Độ mặn từ 2‰ đến 4‰ đã xâm nhập và lan rộng trên địa bàn tỉnh, từ cách cửa sông vào sâu hơn 60km, đồng ruộng; trên các tuyến sông nhánh, nội đồng, kể cả các đập tạm trữ nước đều bị nhiễm mặn. Qua thống kê đã có trên 5.200 ha lúa bị thiệt hại; khoảng 20.000 ha cây ăn trái, 72.000 ha dừa và hơn 1.000 ha cây giống, hoa kiểng có nguy cơ bị ảnh hưởng; tình hình nuôi trồng thủy sản đang gặp khó khăn, có 722 ha diện tích nuôi tôm càng xanh bị ảnh hưởng, xảy ra hiện tượng nghêu chết với số lượng khoảng 1.100 tấn, ước thiệt hại khoảng 23 tỷ đồng.
Hiện tại đã có hàng chục ngàn hộ dân sinh sống xa trong nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển; trên các cù lao, cồn trên sông Hàm Luông, Sông Tiền, Cổ Chiên; cặp theo các trục kênh rạch sâu trong ruộng vườn thiếu nước sinh hoạt, do hết nguồn nước dự trữ.
Trích báo Môi Trường & Đô Thị