Hội thảo “Thoát nước và xử lý Nước thải Đông Nam Á - Hướng tới phát triển bền vững”
Ngày 12/10 tại TP Vũng Tàu, được sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Mạng lưới các Cty nước Đông Nam Á (SEAWUN) phối hợp với Cty Thoát nước & PTĐT Bà Rịa - Vũng Tàu (BUSACO) tổ chức hội thảo “Thoát nước và xử lý Nước thải Đông Nam Á - Hướng tới phát triển bền vững”, chương trình được diễn ra từ ngày 12 - 13/10. Tới dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang - chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông Công chính Lào Bounchanh Sinthavong, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Tuấn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Hồ Văn Niên, lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện chức năng của Văn phòng Chính phủ, các Bộ Khoa học Công nghệ, Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Xây dựng, Cơ quan đại diện Hợp tác Quốc tế tại Việt Nam cùng 200 đại biểu tham dự …
Thứ trưởng Cao Lại Quang phát biểu tại hội thảo
Nội dung chính được Hội thảo tập trung là: Thoát nước và xử lý nước thải - Từ phục vụ sang dịch vụ; Tài chính Bền vững cho dịch vụ thoát nước và Xử lý nước thải; Công nghệ cho thoát nước và xử lý nước thải; Quản lý vận hành và Đào tạo nguồn nhân lực cho thoát nước và xử lý nước thải. Hội thảo nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính phủ các nước Việt Nam, Lào, Inđônêxia, Malaysia, Singapore, các tổ chức như: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ngân hàng Thế giới (WB) cùng các chuyên gia đầu ngành, các Cty, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực này.
Ông Hồ Văn Niên - Phó chủ tịch UBND tỉnh BR-VT
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang nhấn mạnh: “Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển ngành thoát nước và xử lý nước thải. Hệ thống thoát nước được đầu tư qua nhiều thời kỳ khác nhau vẫn chưa hoàn chỉnh và thiếu đồng bộ. Nước thải chưa được xử lý thải trực tiếp ra nguồn tiếp nhận gây ô nhiễm nặng nề. Tỷ lệ xử lý nước tập trung còn rất thấp (10%). Hiện tượng ngập úng, ô nhiễm môi trường ở các đô thị lớn vẫn xảy ra thường xuyên. Sự thiếu hụt nguồn tài chính, những bất cập trong chính sách, năng lực quản lý vận hành của các Cty Cấp thoát nước còn hạn chế, chưa kể đến tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt gây ra những hậu quả khôn lường. Đó là những thách thức rất lớn đối với ngành thoát nước và xử lý nước thải của Việt Nam.
Trước thực tế đó, chính phủ Việt Nam cũng đã khẳng định quan tâm và cam kết của mình trong việc thực hiện định hướng phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Chính phủ đã ra nhiều chính sách, chương trình, giải pháp, ban hành định hướng phát triển thoát nước đô thị, KCN Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2050, đã phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch về thoát nước và xử lý nước thải ở các vùng kinh tế trọng điểm, các lưu vực sông lớn, các đô thị…
Đại diện ADB - cố vấn cấp nước và vệ sinh đô thị
Hội thảo là cơ hội quý báu để chúng ta trao đổi, chia sẻ những khó khăn thách thức, những kinh nghiệm và bài học quý giá trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải.”
Ông Khamthavy Thaiphachanh - Cục trưởng Cục Nhà ở và Quy hoạch đô thị Bộ Giao thông Công chính Lào trình bày chiến lược thoát nước đô thị và kế hoạch đầu tư của Lào giai đoạn 2009 - 2020. Ông cho biết, hiện ở Lào hầu hết các đô thị, chất thải và nước thải của con người được tiền xử lý tại chỗ mà không được xử lý thêm hoặc xử lý kém. Các công trình thoát nước (toilet và bể tự hoại) ít được bảo trì và hệ thống thoát nước mưa còn thiếu. Nước đen từ các hộ gia đình thường được thải trực tiếp vào các cống công cộng hoặc môi trường đô thị. Cống thoát nước thường không được nối với nhau đầy đủ nên không làm thành một mạng lưới. Thêm vào đó, Lào thiếu khung pháp lý và trách nhiệm thể chế không rõ ràng. Nước thải từ khu dân cư, bệnh viện, khu công nghiệp được thải trực tiếp vào môi trường đô thị. Tình hình vệ sinh ngày càng xấu đi ở nhiều đô thị. Tỷ lệ tiếp cận với dịch vụ thoát nước thấp, không theo dõi và đánh giá dịch vụ.
Lào đưa ra 8 chương trình mục tiêu cụ thể cho chương trình nước thải. Theo đó, kinh phí đầu tư cho nước thải đô thị của Lào sẽ vào khoảng 103 triệu USD, giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 89 triệu USD, giai đoạn 2015 - 2020 14 triệu USD
Ông Noorhashim bin Baron - quản lý cấp cao, Vụ Quản lý Thoát nước, UBDV nước Quốc gia Malaysia đã có bài tham luận về “đổi mới thể chế ngành Thoát nước và Xử lý nước thải tại Malaysia”, ông nhấn mạnh: “Chính phủ liên bang nhận rõ tầm quan trọng của sự bền vững dài hạn cho ngành cấp và thoát nước và đã thành lập Ủy ban dịch vụ nước Quốc gia (SPAN), đồng thời ban hành những quy định pháp lý tạo điều kiện – Đạo luật ngành Dịch vụ nước năm 2006. Trách nhiệm của SPAN là thực hiện toàn bộ các chức năng liên quan đến dịch vụ cấp và thoát nước. Nhìn chung SPAN là một cơ quan quản lý cả về kinh tế và kỹ thuật. Những cải thiện và thành tựu khác có được là nhờ vào những đổi mới thể chế ngành thoát nước. Giải quyết những vấn đề căn bản của dịch vụ thoát nước kém hiệu quả, nhằm đạt tới sự bền vững trên phạm vi toàn quốc gia.”
Trích nguồn: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/tin-tuc/hoi-thao-thoat-nuoc-va-xu-ly-nuoc-thai-ong-nam-a-huong-toi-phat-trien-ben-vung.html.