Chi hội Cấp Nước Miền Nam góp ý sửa đổi “Định mức dự toán công tác sản xuất nước sạch”

25/02/2018 Admin

Kính gửi : Hội Cấp Thoát Nước Việt Nam.

Sau khi nhận được văn bản số 16/HCTN ngày 09/3/2013 của Hội cấp thoát nước Việt Nam về việc Đóng góp ý kiến “định mức dự toán công tác sản xuất nước sạch” được ban hành theo quyết định số 14/2004/QĐ-BXD ngày 14/5/2004 của Bộ Xây Dựng, Chi hội Cấp Nước Miền Nam đã gửi công văn đề nghị các hội viên trong Chi hội đóng góp ý kiến sửa đổi cho bản định mức dự toán. Chi hội xin tổng hợp các ý kiến đóng góp như sau :

I. Công ty cổ phần cấp nước Bà Rịa – Vũng Tàu :

1. Nguyên vật liệu phục vụ SXKD nước sạch:

 Phèn, Clor, vôi , các hóa chất và vật liệu khác tiêu hao theo bộ định mức là phù hợp với thực tế sản xuất tại đơn vị.  Tuy nhiên do hiện nay tuyệt đại đa số các đơn vị không còn đơn vị sử dụng phèn nhôm (cả đơn và kép), do đó nên bỏ phèn nhôm thay bằng phèn PAC, chọn mốc phèn PAC có hàm lượng % Al2O3 chuẩn là 29% hoặc 30% để định mức.

2. Điện năng phục vụ SXKD nước sạch:

  • Điện năng tiêu thụ phục vụ sản xuất tại các nhà máy theo bộ định mức là phù hợp .
  • Điện năng tiêu hao tại các trạm bơm tăng áp : Phần này còn thiếu chưa có trong bộ định mức. Tại Công ty cấp nước BR – VT chi phí điện tiêu hao cho trạm bơm tăng áp tại khu vực Vũng tàu là 0,17kwh/m3. Đề nghị bổ sung thêm phần chi phí này trong chi phí tiêu hao điện năng. 

3. Một số chi phí còn thiếu trong bộ định mức :

  1. Sửa chữa nhỏ và đảm bảo cấp nước an toàn tại nhà máy : Các chi phí sửa chữa nhỏ phát sinh trong quá trình sản xuất tại nhà máy, chi phí đầu tư các trang thiết bị phụ tùng dự phòng để đảm bảo việc cấp nước được liên tục . 
  2. Kiểm soát chất lượng nước : Chi phí để kiểm tra chất lượng nước thô nơi đầu nguồn, nước tại nhà máy khi sản xuất và nước sạch ở mạng lưới tiêu thụ bao gồm:  mua hóa chất, máy móc thiết bị, chi phí nhân công, chi phí thuê đơn vị ngoài phân tích chất lượng nước theo quy định của Nhà nước.  
  3. Vận chuyển và xử lý chất thải : Các chi phí thực hiện các công việc đảm bảo các yêu cầu theo quy định pháp luật về môi trường và xử lý chất thải tại nhà máy. 

 Tổng 3 loại chi phí còn thiếu nêu trên ( 1+2+3) hiện tại Công ty chiếm chi phí tương đương 12% tổng chi phí vật tư sản xuất nước. Đề xuất trong bộ định mức ngoài  mục vật tư khác có thêm phần chi phí khác 10-15% tổng phần vật tư đã chi. 

BẢNG THỐNG KÊ CHI PHÍ VẬT TƯ SẢN XUẤT NƯỚC TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN CẤP NƯỚC BÀ RỊA – VŨNG TÀU

4. Nhân công phục vụ SXKD nước sạch:

   Phần nhân công phục vụ sản xuất nước có thể tính được theo công lao động trong  bộ định mức. Tuy nhiên còn nhiều chi phí nhân công khác  phục vụ SXKD trong toàn Công ty như nhân công quản lý mạng lưới, nhân công phục vụ công tác bán hàng, nhân công bộ phận gián tiếp chưa có định mức để tính toán vì vậy nên xây dựng định mức hao phí nhân lực chung cho tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cấp nước. 

Cách tính chi phí nhân công dựa trên định mức hao phí nhân lực chung sẽ khuyến khích các Công ty tiết kiệm và sử dụng lao động hiệu quả, tăng năng suất lao động tương tự như cách thông tư liên tịch Số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT “Hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch “ đã thực hiện với tỷ lệ thất thoát để tạo động lực mạnh mẽ cho các Công ty phấn đấu giảm tỷ lệ thất thoát. Việc tạo điều kiện chủ động trong Quỹ lương sẽ giúp các Công ty trong ngành có thể trả lương cho người lao động tương xứng với những đòi hỏi về chất lượng lao động và chất lượng dịch vụ mà Công ty cũng như khách hàng yêu cầu.

Đề xuất : Xây dựng định mức  nhân công trên 1m3 nước thương phẩm căn cứ trên 2 yếu tố :

  • Khối lượng nước thương phẩm     
  • Số đấu nối khách hàng.                                 

               BẢNG ĐỊNH MỨC CHI PHÍ NHÂN CÔNG                                                                                                             

Việc tính công lao động hao phí trung bình trên 1m3 nước thương phẩm  cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh lâu nay từng Công ty đều đã  thực hiện cùng Sở LĐTBXH khi xây dựng đơn giá tiền lương. Đơn giá này hiện đang được xây dựng dựa trên định biên lao động thực tế của từng đơn vị, có nghĩa là đơn vị nào sử dụng nhiều lao động thì định mức này sẽ cao, tính theo cách như vậy đương nhiên sẽ không khuyến khích các đơn vị sử dụng lao động hiệu quả .  

Đề nghị xem xét xây dựng một định mức hao phí lao động trên 1m3 nước thương phẩm chung trên cơ sở thu thập số liệu hao phí lao động cho 1m3 nước thương phẩm của tất cả các công ty cấp nước trong Hội cấp thoát nước Việt nam. Định mức này sẽ được lấy theo nhóm Công ty có hao phí lao động ở mức trung bình khá (riêng đối với những địa bàn đặc biệt khó khăn sẽ có hệ số điều chỉnh cho phù hợp).

II. Công ty TNHH MTV Cấp nước Vĩnh Long :

Cần bổ sung định mức dầu chạy máy phát điện trong những trường hợp không thể sử dụng điện lưới, định mức đề xuất: 0,3 lít/m3 cho công tác sản xuất nước sạch từ nguồn nước mặt.

III. Công ty TNHH MTV cấp nước Đồng Nai

1- Nguyên vật liệu phục vụ SXKD nước sạch:

- Phèn, Clor, vôi và các hóa chất là phù hợp với thực tế SXKD sạch tại đơn vị.

2- Điện năng phục vụ SXKD nước sạch:

2.1- Điện năng tiêu hao cho SXKD nước sạch từ nguồn nước mặt tại Công ty TNHH MTV cấp nước Đồng Nai lớn hơn định mức của Bộ xây đựng, cụ thể như sau:

a- Điện năng của các trạm bơm nước thô:

 Bình quân điện năng tiêu hao của 4 nhà máy trên là 0,48kw/m3

Điện năng tiêu thụ trên chưa bao gồm điện năng tiêu thụ của các trạm bơm tăng áp

b- Điện năng tiêu hao để SXKD nước sạch kể cả các trạm bơm tăng áp đến khách hàng sử dụng nước :

- Tại Công ty TNHH MTV cấp nước Đồng Nai có mạng lưới phân phối xa cần phải có các trạm bơm tăng áp để đưa nước thương phẩm cung cấp cho khách hàng thì điện năng dùng cho SXKD nước sạch phải được tính thêm cả điện năng đã tiêu hao thực tế tại các trạm bơm tăng áp này, số liệu cụ thể như sau:

2.2- Điện năng tiêu hao cho SXKD nước sạch từ nguồn nước ngầm là phù hợp theo định mức tại quyết định số 14/2004/QĐ-BXD ngày 14/5/2004 của Bộ xây dựng.

3- Nhân công phục vụ SXKD nước sạch:

- Nhân công cho SXKD nước sạch theo định mức tại quyết định số 14/2004/QĐ-BXD ngày 14/5/2004 của Bộ xây dựng là thấp so với thực tế hiện nay.

- Công ty TNHH MTV cấp nước Đồng Nai đề nghị: Cho phép các doanh nghiệp SXKD nước sạch được tính vào giá thành và phương án giá nước tiền lương theo đơn giá được Sở Lao động thương binh xã hội hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương thẩm định chấp thuận.

- Thực tế Đồng Nai đang áp dụng đơn giá tiền lương theo % trên doanh thu tiền nước, (bình quân 18,5% trên doanh thu) thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/người.

IV.  Công ty TNHH MTV Cấp nước & Môi trường Đô thị Đồng Tháp

1. Về bảng định mức sản xuất nước sạch từ nguồn nước mặt và nước ngầm:

          - Hiện nay, một số công trình cấp nước nông thôn có công suất nhỏ (khoảng 200 đến 1000 m3/ngđ) đang được chuyển giao cho công ty cấp nước quản lý và vận hành; do đó, cần có định mức cho các trạm với công suất được phân chia ở các mức thấp hơn 1000 m3/ngđ, cụ thể là 200 m3/ngđ, 300 m3/ngđ, 400 m3/ngđ v.v….

- Ngoài phân chia theo công suất nhà máy nước, đề nghị bổ sung phân chia định mức theo cấp đô thị và nông thôn, theo nguồn điện 1 pha và 3 pha.

- Do có sử dụng sô đa để điều chỉnh pH, nên cần bổ sung định mức sử dụng sô đa.

- Phèn cao phân tử (Polime) có nhiều loại khác nhau như PAC, PACS, PAS, PASS với mức độ hiệu quả khác nhau nên cần có định mức cụ thể cho từng loại.

- Đối với trạm cấp nước có công suất nhỏ, Ca(OCl)2 (Clorua vôi) dạng bột thường được sử dụng thay cho Clo khí hóa lỏng vì tính an toàn trong sử dụng và vận chuyển, bảo quản nên cần thêm vào định mức.

2. Về chất lượng nước:

- Sửa đổi các bảng chất lượng nước theo Tiêu chuẩn chất lượng nước mặt TCVN 5942-1995 và Tiêu chuẩn chất lượng nước ngầm TCVN 5944-1995 lần lượt thành theo Quy chuẩn QCVN 08:2008/BTNMT và 09:2008/BTNMT ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ngầm).

- Sửa đổi bảng Tiêu chuẩn chất lượng nước ăn uống theo Quyết định số 1329/2002/QĐ-BYT ngày 18/04/2002 của Bộ Y tế thành theo Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT ban hành kèm Thông tư 04/2009/TT-BYT ngày 17/06/2009 của Bộ Y tế (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống).

Tuy nhiên, theo các sửa đổi nêu trên của Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Y tế, có một số vấn đề bất cập cần được thay đổi và bổ sung như sau:

- Trong QCVN 09:2008/BTNMT, với quy định về lượng Coliform trong nguồn nước như hiện nay sẽ dẫn đến khó khăn trong việc xin giấy phép khai thác nguồn nước, trong khi việc xử lý Coliform là hoàn toàn trong khả năng. Hơn nữa, xu hướng các nước trên thế giới đang dùng nguồn nước ô nhiễm, cải tạo thành nước sạch nên việc giới hạn lượng Coliform trong nguồn nước quá thấp là không cần thiết.

- Trong QCVN 01:2009/BYT, tiêu chuẩn về nồng độ Clo dư cho phép 0,3– 0,5 mg/l chưa xác định rõ là đầu nguồn, giữa nguồn hay cuối nguồn.

- Cần quy đổi giới hạn hàm lượng theo cách tính thống nhất giữa quy chuẩn nguồn nước mặt QCVN 08:2008/BTNMT, nguồn nước ngầm QCVN 09:2008/BTNMT và quy chuẩn nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT. Ví dụ hàm lượng Amoni, Nitrit, Nitrat cần thống nhất cách tính theo N hoặc theo NH4+.

V. Công ty CP Cấp thoát Nước – CTĐT Hậu Giang

1. Nhân công : Hiện nay, chính quyền địa phương rất quan tâm đến nhân dân vùng sâu, vùng xa có nước sạch để sử dụng. Muốn làm được điều đó các công ty cấp nước phải xây dựng trạm cấp nước ở thị trấn, thị tứ cách xa khu đô thị, xây dựng trạm có công suất từ 500m3/ngày đêm, không thể phân công hơn 2 người cho một trạm - Đề nghị định mức nhân công 0,0052 đối với trạm có công suất < 1.000 lên 0,007.

2. Nhiều công ty cấp nước hiện nay ít dùng phèn nhôm mà thường dùng loại PAC để xử lý (NTU) – đề nghị bỏ Phèn nhôm thay vào bằng PAC.

3. Trong định mức 14 không có định mức dầu chạy máy phát điện để sản xuất nước – Đề nghị ghi thêm định mức điện.

VI.  Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn Bà Rịa – Vũng Tàu

1. Phần I: Quy định chung và hướng dẫn áp dụng.

Đề nghị sửa đổi các nội dung: Mục 3 – Các căn cứ:

- Chuyển từ áp dụng Tiêu chuẩn TCVN 5942-1995 và TCVN 5944-1995 được ban hành theo quyết định số 229/QĐ-TĐC ngày 25/3/1995 của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường sang áp dụng QCVN 08/2008 BTNMT và QCVN 09/2008 BTNMT ban hành theo quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt và nước ngầm.

- Chuyển từ áp dụng Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống ban hành kèm theo quyết định số 1329/2002/BYT ngày 18/4/2002 của bộ trưởng Bộ Y tế sang áp dụng QCVN 01:2009/BYT được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo Thông tư số:  04/2009/TT - BYT ngày 17 tháng 6 năm 2009 về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống.

2. Phần II: Định mức.

2.1. Phần sản xuất nước sạch từ nguồn nước ngầm:

- Thành phần công việc – mục h (vận hành phòng thí nghiệm) đề nghị sửa đổi sang nội dung sau:

+ Kiểm tra nhu cầu lượng phèn, Xút (NaOH), Clo hàng ngày để xác định lượng phèn, Xút cần thiết 1 lần/ca.

+ Lấy mẫu và kiểm tra chất lượng nước sau lọc: Các chỉ tiêu pH, độ đục tần suất 1 lần/ca.

+ Lấy mẫu và kiểm tra chất lượng nước thành phẩm: Các chỉ tiêu theo QCVN 01/BYT đối với cấp A tần suất kiểm tra 1 lần/tuần, các chỉ tiêu cấp B tần suất 1 lần/6 tháng, các chỉ tiêu cấp C 1 lần/2 năm. Các chỉ tiêu pH, độ đục, clo dư tần suất 1 lần/ca.

+ Kiểm tra, phân tích các thông số chất lượng nước theo yêu cầu

+ Kiểm tra tồn kho phèn, Xút (NaOH), Clo hàng ngày để xác định lượng phèn, Xút cần thiết 1 lần/ tháng.

+ Kiểm tra chất lượng Xút (NaOH), Phèn, Clo mỗi lần nhập kho.

- Đề nghị bổ sung thêm định mức công việc giám sát hệ thống đối với các nhà máy sản xuất nước sạch có lắp đặt hệ thống tự động hóa, SCADA ….

- Bổ sung thêm thành phần công việc đo kiểm tra điện trở các thiết bị điện, các loại môtơ điện, hệ thống chống sét ... trên dây truyền sản xuất nước sạch.

- Bảng mức đề nghị bổ sung thêm định mức 0.05 kg/m3 đối với Xút (NaOH) cho việc xử lý nước.

2.2. Phần sản xuất nước sạch từ nguồn nước mặt:

- Thành phần công  việc – mục i (vận hành phòng thí nghiệm) đề nghị sửa đổi sang nội dung sau:

+ Kiểm tra nhu cầu lượng phèn, Xút, Clo hàng ngày để xác định lượng phèn, Xút cần thiết 2 lần/ca.

+ Lấy mẫu và kiểm tra chất lượng nước sau lọc: Các chỉ tiêu pH, độ đục tần suất 4 lần/ca.

+ Lấy mẫu và kiểm tra chất lượng nước thành phẩm: Các chỉ tiêu theo QCVN 01/BYT đối với cấp A tần suất kiểm tra 1 lần/tuần, các chỉ tiêu cấp B tần suất 1 lần/6 tháng, các chỉ tiêu cấp C 1 lần/2 năm. Các chỉ tiêu pH, độ đục, clo dư tần suất 4 lần/ ca.

+ Kiểm tra, phân tích các thông số chất lượng nước theo yêu cầu

+ Kiểm tra tồn kho phèn, Xút, Clo hàng ngày để xác định lượng phèn, Xút cần thiết 1 lần/ tháng.

+ Kiểm tra chất lượng Xút, Phèn, Clo mỗi lần nhập kho.

- Đề nghị bổ sung thêm định mức công việc giám sát hệ thống đối với các nhà máy sản xuất nước sạch có lắp đặt hệ thống tự động hóa, SCADA ….

- Bổ sung thêm thành phần công việc đo kiểm tra điện trở các thiết bị điện, các loại môtơ điện, hệ thống chống sét ... trên dây truyền sản xuất nước sạch

- Bảng mức đề nghị bổ sung  thêm định mức 0.05 kg/m3 đối với Xút (NaOH) cho việc xử lý nước.

VII. Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Long An (sử dụng nước ngầm)

1. Áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn mới thay cho quy chuẩn, tiêu chuẩn cũ trong quyết định số 14, cụ thể:

  • Áp dụng Quy chuẩn vệ sinh nước ăn uống QCVN 01: 2009/BYT do cục y tế dự phòng và môi trường biên soạn và được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo thông tư số 04/2009/TT-BYT ngày 17/6/2009 (QĐ14 áp dụng TC:1329/2002 BYT).
  • Áp dụng Quy chuẩn chất lượng nước ngầm QCVN 09-2008 ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (QĐ14 áp dụng TCVN 5944 – 1995).
  • Áp dụng Quy chuẩn chất lượng nước nước mặt QCVN 08-2008 ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (QĐ14 áp dụng TCVN 5942 – 1995).

2. Quy trình công nghệ xử lý nước: Để hình thành giá của 1m3 nước sạch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhân công, hóa chất, điện năng, xây dựng cơ bản.v.v..Trong đó định mức hóa chất sử dụng cho 1 m3 nước sạch      phụ thuộc vào chất lượng nguồn nước thô của từng khu vực. Cụ thể lượng vôi sử dụng cho Xí nghiệp cấp nước Gò Đen (thuộc huyện Bến Lức do Công ty quản lý), công suất 7200m3/ng.đ, sử dụng nguồn nước ngầm có hàm lượng sắt rất cao (35-45mg/l) và pH thấp nên dùng vôi với mục đích ổn định pH, giúp tạo bông cặn lớn, giúp quá trình sa lắng diễn ra tốt hơn. Lượng vôi sử dụng trung bình là 5500kg/tháng với sản lượng nước thô là 225.000m3/tháng tương đương 0.024kg/1m3 nước sạch (Định mức 14: 0.0017kg/1m3). Đề nghị tăng định mức sử dụng vôi đối với những nơi có chất lượng nước thô xấu.

3. Bên cạnh chi phí sản xuất nước sạch còn phát sinh thêm chi phí xử lý nước thải từ quá trình rửa lọc. Cụ thể tại XN Bình Ảnh (thuộc huyện Thủ Thừa do Công ty quản lý), lượng nước thải trung bình khoảng 600m3/ng.đ, các chi phí bao gồm:

-    Vôi: Lượng vôi sử dụng 0.05kg/1m3 nước thải

  • Phèn: Lượng phèn (PAC) sử dụng 0.075kg/1m3 nước thải
  • Tổng chi phí xả thải 90 triệu đồng/13,8 triệu m3 khai thác =6,5 đồng/m3 khai thác.

Vì vậy, Công ty kính đề nghi xem xét đưa chi phí xả thải và bảo vệ môi trường vào định mức.

4. Đề nghị tăng định mức tiêu hao năng lượng điện đối với công suất trạm xử lý <10.000 m3/ng.đ là 0,51 kw/m3, trạm xử lý công suất <20.000 m3/ng.đ: 0,49 kw/m3 vì hiện tại công ty có xí nghiệp 15000 m3/ng.đ sử dụng 0,482 kw/m3, xí nghiệp 7200 m3/ng.đ sử dụng 0,51 kw/m3.

VIII. Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Tiền Giang 

1. Đề nghị bổ sung thêm định mức dự toán về công tác quản lý mạng lưới cấp nước trên cơ sở chung của các công ty cấp nước (căn cứ trên quy mô, hiện trạng, công suất cấp nước, đường kính, chiều dài ống của mạng lưới cấp nước, tổng số đấu nối, điều kiện địa hình, tự nhiên, ...)

2. Đề nghị bổ sung thêm định mức dự toán về công tác quản lý khách hàng (ghi, thu tiền nước), các công tác thực hiện theo quy định tại Nghị định 117/2007 của Chính phủ.

3. Đối với địa bàn tỉnh Tiền Giang thì đặc thù nguồn nước mặt tại thành phố Mỹ Tho và các huyện phía đông lấy nước từ sông Tiền và các kênh ngọt hóa nội đồng nên chất lượng nước nguồn có một số chỉ tiêu cao hơn so với mức chất lượng theo QCVN 08:2008/BTNMT (mức A1) như: hàm lượng chất hữu cơ, Fe, Mn, Amonia, Nitrit, Nitrat, Tổng số Coliform 35.000 MNP/100ml và có thời điểm lên đến 240.000 MNP/ml; Escherichia coli 1.100 MNP/100ml và có thời điểm lên đến 46.000 MNP/100ml, ... có nhiều rong tảo. Do đó Công ty phải tiến hành châm Clo sơ bộ đầu nguồn nhằm đảm bảo đưa nước nguồn về gần với tiêu chuẩn để xử lý đạt yêu cầu và tăng lượng hóa chất keo tụ. Từ thực trạng trên, nhằm đối phó với tình trạng chất lượng nguồn nước mặt ngày càng ô nhiễm hiện nay, Công ty kiến nghị điều chỉnh mức sử dụng Clo, phèn polime của Quyết định 14/2004/QĐ-BXD như sau:
- Clo từ 0,0021 kg/m3 đề nghị nâng lên mức 0,0033 kg/m3
- Phèn polime từ 0,009 kg/m3 đề nghị nâng lên mức 0,015 kg/m3.

IX. Công ty TNHH MTV Cấp thoát Nước Tây Ninh

1/ Nguyên vật liệu sản xuất nước sạch từ nguồn nước mặt:

a/ Nguyên liệu Vôi:

-  Nhà máy nước Tây Ninh sử dụng nguồn nước thô lòng hồ Dầu Tiếng có độ Ph thấp từ 5,9 - 6,5 để tạo điều kiện tối ưu trong quá trình keo tụ tạo bông cặn, nhà máy phải tăng độ Ph đạt yêu cầu do đó phải sử dụng hóa chất CaO (vôi). Định mức quy định nguyên liệu vôi là 0,002 kg/m3 là không đảm bảo hiệu quả tạo bông và đảm bảo chỉ tiêu Ph sau xử lý đạt quy chuẩn quy định (QCVN 02:2009/BYT chỉ tiêu Ph cung cấp mạng phân phối phải đạt 6,5 - 8,5). Qua kiểm tra thực tế công ty đề nghị sửa đổi định mức nguyên liệu vôi từ 0,002 kg/m3 tăng lên 0,02 kg/m3

b/ Nguyên liệu Clo:

- Nhà máy nước Tây Ninh sử dụng Clo trong dây chuyền công nghệ tại 02 vị trí:

+Vị trí 1: Châm vào nước thô trước bể trộn

+Vị trí 2: châm vào nước sau bể lọc

- Do sử dụng nguồn nước mặt có hàm lượng chất hữu cơ cao, rong tảo và vi sinh tăng do đó hóa chất Clo cho vào vị trí 1 khoảng 1,5 - 2 g/m3 (0,0015 - 0,002 kg/m3)  

- Lượng Clo châm vào vị trí 2 khoảng 1,0 - 1,2 g/m3 (0,001 - 0,0012 kg/m3) để đảm bảo hàm lượng Clo dư ra mạng phân phối đạt từ 0,3 - 0,5 mg/l (QCVN 01:2009/BYT)

- Công ty đề nghị sửa đổi định mức Clo từ 0,0021 kg/m3 tăng lên 0,003 kg/m3

c/ Nguyên liệu PAC (Poly Aluminium Choride):

- Hiện nay đa số các công ty cấp nước sử dụng PAC trong quá trình keo tụ tạo bông, do đó đề nghị bổ sung hóa chất PAC vào mục nguyên liệu

- Đề xuất chọn hóa chất PAC có hàm lượng Al2O3 từ 29 - 30%

2/ Chất lượng nước:

a/ Tiêu chuẩn Chất lượng nước mặt TCVN 5942 - 1995, Tiêu chuẩn Chất lượng nước ngầm TCVN 5944 - 1995 đề nghị sửa đổi thành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08:2008/BTNMT và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm QCVN 09:2008/BTNMT ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

b/ Tiêu chuẩn Chất lượng nước ăn uống theo Quyết định số 1329/2002/QĐ-BYT ngày 18/4/2002 của Bộ Y tế đề nghị sửa đổi thành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BYT ngày 17/6/2009 của Bộ Y tế.

3/ Chi phí cần bổ sung trong định mức:

a/ Chi phí kiểm soát chất lượng nước thô, kiểm soát chất lượng nước qua công đoạn xử lý tại nhà máy và chi phí thuê đơn vị phân tích chất lượng nước theo quy định của nhà nước. 

b/ Chi phí xử lý chất thải rắn (bùn thải) và phí nước thải công nghiệp theo quy định của pháp luật về môi trường.

c/ Chi phí nhân công khác phục vụ sản xuất kinh doanh: Quản lý mạng lưới phân phối, nhân công thu tiền nước.

Trên đây là một số ý kiến của Chi hội Cấp Nước Miền Nam góp ý về định mức dự toán công tác sản xuất, quản lý và phân phối nước sạch. Kính đề nghị Hội Cấp Thoát Nước Việt Nam nghiên cứu góp ý để bộ định mức được ban hành  phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành sản xuất kinh doanh hiệu quả.

         Xin trân trọng cảm ơn.

Bài viết cùng chuyên mục